Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM 15 NĂM THAM GIA PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

GS - TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đã soạn thảo một văn bản có tính chất tóm tắt các sự kiện, các hoạt động lớn của Hội trong 15 năm xây dựng và phát triển với tựa đề :" Hội Khuyến học Việt Nam 15 năm tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục". Chúng tôi xin giới thiệu để các cấp Hội làm tài liệu tham khảo cho công tác thông tin tuyên truyền nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 - 02/10/2011).
Trong lịch sử phát triển giáo dục nước nhà, khuyến học. khuyến tài là một đạo lý được dân tộc ta luôn luôn đề cao, truyền bá và phát huy. Qua một nghìn năm độc lập tự chủ, gần một trăm năm đấu tranh chống lại nền giáo dục nô dịch do bọn Thực dân xâm lược áp đặt, trong mọi thời điểm thăng trầm của đất nước, người dân Việt Nam lúc nào cũng tâm niệm rằng, nhân tài quốc gia chi nguyên khí, đại học giáo hoá chi bản nguyên (nhân tài là nguyên khí quốc gia, đại học là gốc của giáo hoá), kiên trì nguyên lý đó để xây dựng một quốc gia văn hiến của mình.

Ngày nay trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt nam và Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hệ thống giáo dục cách mạng đã làm nên những thành quả lớn lao chưa từng có trong mọi thời kỳ phát triển trước đây. Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, đứng trước yêu cầu xây dựng một đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong xu thế phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, giáo dục không thể chỉ đóng khung trong phạm vi nhà trường chính quy, mà phải mở ra những hình thức học tập không chính quy ngoài xã hội, không chỉ dựa vào hệ thống giáo dục ban đầu, mà còn phải có những thành quả của hệ thống giáo dục tiếp tục. Trong điều kiện ấy, Đảng đã quyết định thành lập một tổ chức xã hội có chức năng vận động toàn dân học tập.

Ngày 29/02/1996, tổ chức xã hội đó ra đời với cái tên Hội Khuyến học Việt Nam. Sứ mạng của nó là “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”. Đến nay, Hội vừa tròn 15 tuổi, một cái tuổi niên thiếu nhưng sức mạnh lớn lao, đội ngũ đông đảo, hoạt dộng rộng khắp trong cả nước, thành tích rất đáng khích lệ. Mỗi hội viên của Hội đều tự hào được làm việc nghĩa, không vụ lợi, hướng theo lí tưởng làm cho dân Việt trở thành một dân tộc thông thái như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.

I. NHỮNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM  

Kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển không ngừng, trở thành một tổ chức xã hội có quy mô hoạt động rộng khắp cả nước. Sự phát triển và hoạt động có thể chia thành 4 giai đoạn:

GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT (10/1996 – 6/1999) 

Đây là giai đoạn Hội thành lập các tổ chức để giúp Ban Chấp hành Trung ương thực hiện 3 mục tiêu cơ bản do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I đề ra:
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội; đơn vị công tác… có quyền lợi bình đẳng và công bằng trong học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, học vấn, tay nghề;
- Hỗ trợ cho nhà giáo và các cơ sở đào tạo sư phạm những điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đạo đức nhà giáo.
- Tư vấn cho các cấp uỷ Đảng và chính quyền cùng các cơ quan chức năng của nhà nước về việc phát triển giáo dục.
Trong giai đoạn này có mấy sự kiện lớn là:  

Ngày 14/11/1996, Điều lệ Hội Khuyến học Việt Nam được Nhà nước công nhận (tại văn bản số 216/TCCP/TC) và ngày 3/2/1997, Hội trở thành thành viên chính thức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tại văn bản số 03/TB/MTTQ).
- Ngay sau Đại hội lần thứ I, Trung ương Hội đã lập Văn phòng Trung ương Hội và một số Ban chức năng để nhanh chóng tiến hành những hoạt động đối nội, đối ngoại, xây dựng mối quan hệ với các tổ chức chính phủ và chính phủ trong nước, tạo mối liên hệ với một số tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam;
- Tiếp nhận từ Ban Bí thư Trung ương Đảng số tiền 1 tỷ đồng để làm nguồn vốn ban đầu cho Quỹ Khuyến học sau sau này (Ngày 27/7/1997, lần đầu tiên Hội đã tổ chức việc tặng thưởng đầu tiên cho 50 nhà giáo thương binh và trợ giúp hàng trăm học sinh vùng bị thiên tai thuộc các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long).
Tháng 10/1998, tại Nam Định, Trung ương Hội đã tổ chức Hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào khuyến học. Đây là mốc đầu tiên đánh dấu sự phát triển của phong trào khuyến học, khuyến tài trong cả nước.
Trong quá trình triển khai 3 mục tiêu của công tác vận động khuyến học, toàn Hội đã quán triệt tư tưởng giáo dục trong Nghị quyết 07-NQ/HNTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục “huy động toàn dân làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước” và Nghị quyết 02-NQ/HNTW Đảng (khoá VIII) về phát triển giáo dục thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hội đã tiến hành công tác vận động nhân dân tham gia học tập và phát triển giáo dục theo tinh thần xã hội hoá.
Khi thành lập Hội, tổ chức của Hội mới chỉ có mặt ở 21 tỉnh, thành. Số hội viên chưa quá 10.000. Đến cuối giai đoạn thứ nhất, tổ chức của Hội đã có mặt ở 28 tỉnh, thành với khoảng 500.000 hội viên.

GIAI ĐOẠN THỨ HAI (7/1999 – 12/2005) 

Ngày 16/6/1999, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội Khuyến học Việt Nam đã được tiến hành tại Hà Nội. Đại hội này đã thông qua một Quyết định, trong đó có 3 vấn đề lớn mang tính chiến lược là:
- Mở rộng hệ thống tổ chức của Hội trên các địa bàn trong cả nước, chú trọng phát triển các tổ chức Hội ở cơ sở.
- Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc thông qua phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học và Quỹ khuyến học ở các cấp Hội.
- Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân học tập, toàn dân tham gia giáo dục, bước đầu tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Trong giai đoạn này có những sự kiện khuyến học lớn sau đây:
- Ngày 10/8/1999, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học Việt Nam”, sau đó, ngày 15/10/1999, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 29/1999/CT-TTg về phát huy vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam.
- Ngày 9/9/1999, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Khuyến học Việt Nam tại Quyết định 183/1999/QĐ-TTg (Những văn kiện nói trên đã như một động lực lớn đối với phong trào khuyến học trong cả nước).
- Ngày 25/10/2000, Đại hội thi đua toàn quốc vì sự nghiệp khuyến học đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội là một mốc son đánh dấu phong trào thi đua khuyến học phát triển rộng khắp trong cả nước.
- Ngày 19-20/01/2001, tại Hội nghị lần thứ 3 (khoá II) thông qua Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở”. Đây là một định hướng quan trọng trong việc triển khai công tác khuyến học trong những năm tiếp theo.
- Tháng 11/2003, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo  dục – Đào tạo cùng với Hội chuẩn bị Đề án “xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”. Điều này đã khẳng định hướng đi của Đề án Hội tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là đúng đắn.
- Tháng 6/2004, Hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo  tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng.
- Ngày 10-11/12/2004, Đại hội biểu dương gia đình hiếu học lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội. Hàng chục vạn gia đình trong cả nước đã được nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học”, Đại hội là một biểu tượng tốt đẹp về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
- Ngày 18/5/2005, Chính phủ đã ra Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đến năm 2010. Có thể nói rằng, để đi đến Quyết định này có sự đóng góp rất lớn của Hội thông qua Đề án xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Trong giai đoạn này, Hội đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu như kết thúc giai đoạn thứ nhất (1999), tổ chức của Hội chỉ có mặt ở 28 tỉnh, thành với khoảng nửa triệu hội viên thì kết thúc giai đoạn thứ hai, Hội đã có mặt tại 100% các tỉnh, thành, 99,22% các quận, huyện, 94,0% các xã, phường với trên dưới 3.500.000 hội viên. Ở giai đoạn đầu, chúng ta mới thử nghiệm 15 trung tâm học tập cộng đồng thì ở cuối giai đoạn thứ hai, số trung tâm đã lên tới con số 6130. Phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài đã bắt rễ vào cơ sở, tạo nên một không khí thi đua sôi động, lôi cuốn nhiều triệu người tham gia.

GIAI ĐOẠN THỨ BA (12/2005 – 9/2010)

Ngày 6/12/2006, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đón nhận từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN bức trướng:

                                      “HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM
                                             Khuyến học khuyến tài,
                          Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập” 

Bộ Chính trị khẳng định rằng “khuyến học khuyến tài là đạo lý của dân tộc ta, còn xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò nòng cốt của phong trào khuyến học trong cả nước, có nhiệm vụ chính trị là xây dựng xã hội học tập từ cơ sở xã, phường, thôn bản, thực hiện tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: là cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). 
Đại hội đã đề ra 6 nhiệm vụ lớn trong toàn khoá:

- Mở rộng mặt trận khuyến học trên cơ sở phát triển sâu rộng các tổ chức Hội và các phong trào khuyến học đến tận cơ sở.
- Phát triển chiều sâu các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
- Tăng cường chức năng tham mưu, tư vấn, phản biện, giám sát của các cấp Hội đối với các chủ trương, chính sách, đề án phát triển giáo dục.
- Phát triển các hình thức quỹ khuyến học, khuyến tài để hỗ trợ cho việc mở rộng phong trào khuyến học
- Xây dựng mạng lưới thông tin, tuyên truyền rộng khắp theo hướng hiện đại hoá và đại chúng hoá.
- Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp để nâng cao trình độ nhận thức và năng lực hoạt động khuyến học khuyến tài, đáp ứng yêu cầu thực hiện vai trò nòng cốt của Hội trong cuộc vận động xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Trong giai đoạn thứ ba này có những sự kiện quan trọng nâng cao nhanh sức mạnh của Hội, đó là:
+ Tổ chức  của Hội đã được xây dựng trên 100% tỉnh, thành phố; 100% quận, huyện và thị xã; gần 100% xã, phường, thị trấn.
+ Chỉ thị 11-CT/TW là cơ sở chính trị vô cùng quan trọng của việc định hướng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
+ Nhà nước đã quyết định lấy ngày 2/10 hằng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam
+ Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II đã động viên đông đảo các lực lượng xã hội tham gia phong trào khuyến học.
+ Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học lần thứ II đã phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của nhân dân.
+ Cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã đánh dấu 5 năm phát triển thi đua trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, suy tôn những tài năng Việt.
+ Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở” đã khẳng định vai trò của Hội trong cuộc vận động toàn dân xây dựng các mô hình học tập, học tập suốt đời từ cơ sở, xã phường, thôn, bản.
+ Đề tài cấp Nhà nước “xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam” đã góp phần xây dựng cơ sở lý luận và phương hướng phát triển các mô hình  học tập phù hợp với điều kiện Việt Nam.
+ Báo Dân trí điện tử đạt mức người truy cập 10.000.000 người/ngày.
+ Quỹ Khuyến học trong toàn quốc đã xuất  trên 10.000 tỷ đồng cho hơn 10.000.000 học bổng và phần thưởng cho học sinh, sinh viên, giáo viên.
 Trong giai đoạn thứ ba này, toàn Hội đã có trên 7.500.000 hội viên, sinh hoạt trong gần hơn 200.000 các chi hội khuyến học. Hơn 10.000 Trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức, thu hút mỗi năm khoảng trên dưới 10.000.000 lượt người tới học tập. Trên 3.500.000 gia đình và 40.000 dòng họ đạt danh hiệu hiếu học. Quỹ Khuyến học trong toàn quốc mấy năm gần đây, mỗi năm huy động được trên 700 tỷ đồng hàng năm có tới trên 3.000.000 học sinh, sinh viên được nhận học bổng hoặc tiền thưởng từ các loại hình quỹ khuyến học.

GIAI ĐOẠN THỨ TƯ (9/2010 đến nay) 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29/9/2010. Những thành tích lớn lao trong công tác khuyến học, khuyến tài và những sự kiện lớn trong phong trào khuyến học đã tạo một khí thế mới tại Đại hội lần này. Ban chấp hành Trung ương Hội khoá IV chủ trương chuyển hướng một số hoạt động khuyến học, khuyến tài, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng xã hội học tập từ cơ sở trên những kết quả đã thu được từ việc tổng kết 7 năm triển khai Đề án “Hội Khuyến học tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở” và 3 năm nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam”. Việc hỗ trợ những hoạt động của hệ giáo dục chính quy và thúc đẩy hoạt động của các hình thức giáo dục không chính quy cho người lớn đều chú trọng mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là nguồn lực nông dân trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Về tổ chức, Hội sẽ phát triển mạnh các tổ chức hội ở cơ sở, cụ thể là sẽ tăng nhanh các chi hội ở xã, phường, thôn bản, trường học, các cơ sở sản xuất, các dòng họ, xứ đạo, nhà chùa, các cơ quan hành chính và sự nghiệp. Trong giai đoạn 2010 – 2015, Hội chú trọng khuyến khích phát triển tài năng trẻ đang học tập hoặc đang công tác.
Một sự kiện hết sức quan trọng là ngày 01/11/2010, Chính phủ đã có Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg công nhận Hội Khuyến học Việt Nam là Hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước. Ngày 01/6/2011 Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg về chế độ thù lao cho những cán bộ tham gia các cơ quan lãnh đạo, điều hành tổ chức và hoạt động của Hội. Hai quyết định trên là một sự kiện rất quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của Hội.
Ngay sau Đại hội IV, số hội viên đã tăng lên nhanh, hiện đã xấp xỉ 10% dân số. Đây là một mức phát triển đã được Đại hội III và IV rất quan tâm.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ PHONG TRÀO KHUYẾN HỌC TRONG CẢ NƯỚC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI SAU 15 NĂM HOẠT ĐỘNG  

1. Đề cao đạo lý khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về chấn hưng và đổi mới sự nghiệp giáo dục, xây dựng nước ta thành một xã hội học tập. Thông qua cuộc vận động toàn dân học tập, toàn dân tham  gia phát triển giáo dục để thực hiện quan điểm xã hội hoá giáo dục là một phương pháp tập hợp toàn dân thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “làm cho ai cũng được học hành”, “làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái”, để Việt Nam xác định được chỗ đứng xứng đáng trong một thế giới hiện đại, bình đẳng bình quyền với các quốc gia, có đủ năng lực để hội nhập quốc tế trước xu thế toàn cầu hoá ngày càng gia tăng.
2. Việc thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và sự quan tâm lãnh đạo quản lý Hội của Đảng và Nhà nước về tư tưởng và tổ chức, về nhân sự và năng lực hoạt động cũng như việc tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho những hoạt động của Hội đã giúp cho Hội trưởng thành nhanh chóng. Đảng đã giao những trọng trách cho Hội theo từng bước phát triển, từ chỗ yêu cầu Hội làm tốt việc khuyến khích và hỗ trợ hệ thống giáo dục chính quy, góp sức phát triển các loại hình học tập không chính quy (từ 2005 trở về trước), đến việc giao nhiệm vụ chính trị xây dựng xã hội học tập từ cơ sở (giai đoạn 2005 - 2010) và nay là làm nòng cốt trong cuộc vận động nhân dân xây dựng xã hội học tập với tư cách là một tổ chức xã hội có tính đặc thù. Nhận nhiệm vụ do Đảng giao cho,  Hội đã nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình và do đó, trong suốt 15 năm qua, Hội đã không ngừng phấn đấu về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước.
3. 15 năm là một thời gian ngắn trong sự phát triển của một tổ chức xã hội. Tuy nhiên, với độ tuổi còn rất trẻ, Hội đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp, xây dựng được nền móng ban đầu cho xã hội học tập ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn và ở các thôn bản, tổ dân phố…
Hội đã kế tục phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, một phong trào mang tính cách mạng xã hội thông qua việc phát triển giáo dục để “khai dân trí, chấn hưng khí, hậu dân sinh”, đã tiếp bước phong trào Truyền bá Quốc ngữ với khẩu hiệu “Chữ Quốc ngữ cho mọi người” và đã phát triển chủ trương “giáo dục cho mọi người” lên một tầm cao mới “Giáo dục suốt đời cho mọi người”.
Xây dựng thành công xã hội học tập từ cơ sở trên cơ sở tổng kết và xác định những mô hình khuyến học, khuyến tài cũng như những mô hình học tập chính quy và không chính quy phù hợp với những đặc điểm và điều kiện đa dạng ở các địa bàn dân cư cấp cơ sở không chỉ là một đóng góp quan trọng cho việc chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở trên một diện rộng, mà còn đặt nền móng cho việc phát triển hệ thống giáo dục không chính quy cho người lớn đa dạng, rộng khắp và phát triển bền vững.
4. Khuyến học, khuyến tài đã trở thành một phong trào nhân dân rộng khắp trong toàn quốc, lôi cuốn các ngành, các giới, các lực lượng xã hội vào những hoạt động. Mặt trận khuyến học đã hình thành, hoạt động dưới sự lãnh đạo sát sao và chặt chẽ của cấp uỷ và chính quyền các cấp.
Trong mặt trận này, các tổ chức phi chính phủ (bao gồm cả Hội), đã xây dựng được mối liên hệ với 2 lực lượng quan trọng: các cơ quan chính phủ có chức năng chỉ đạo và điều hành giáo dục cùng các doanh nghiệp thành đạt, có khả năng tài trợ cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tạo nên sức mạnh duy trì hoạt động của mặt trận khuyến học được bền vững. Hội Khuyến học đang từng bước chứng minh vai trò nòng cốt của mình trong phong trào này.
5. Trong suốt 15 năm qua, Hội đã kiên định quan điểm giáo dục xã hội chủ nghĩa của Đảng, quán triệt tư tưởng giáo dục nhân cách và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài định hướng xã hội học tập.
Toàn  Hội là một khối đoàn kết thống nhất, là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn phong trào khuyến học, khuyến tài với cuộc vận động toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi và toàn dân thi đua xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn dân cư do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Hội Khuyến học Việt Nam tự hào là người kế tục tin cậy của phong trào Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hoá trước đây, đã cố gắng không ngừng và những đóng góp tích cực của Hội trong 15 năm qua là một trong những căn cứ để Đảng và Nhà nước lấy ngày 2/10 làm Ngày Khuyến học Việt Nam. Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.





[1]Trích lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, thay mặt cho Ban Bí thư và Bộ Chính trị TW Đảng tại Đại hội III của Hội.











 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét