Ngô Đình Nhu và tướng Võ Nguyên Giáp
Thật ra thì những thông tin trong bài sau đây (trên báo Tổ Quốc) không mới, vì tôi đã đọc đâu đó ở ngoài này. Ông cụ thân sinh của cụ Hồ (Nguyễn Sinh Sắc) qua đời ở Cao Lãnh. Dưới thời Ngô Đình Diệm, mộ ông cụ được chăm sóc tốt, có lẽ là một nghĩa cử của ông Diệm đối với đối thủ chính trị của mình là ông cụ Hồ.
Theo cuốn “Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm” thì khoảng tháng 6/1946, khi Diệm đến ở nhà Linh mục Độ, chính xứ Tuy Hoà, được cán bộ Việt Minh "khéo léo mời" lên miền Thượng. Một người làm chạy thoát ra Phát Diệm, rồi xin ông Lê Hữu Từ giúp đỡ. Ông Từ bèn cùng Linh mục Phạm Quang Hàm và Dân biểu Ngô Tử Ha vào Bắc bộ phủ xin cụ Hồ tha ông Diệm. Thật ra, lúc đó chính cụ Hồ cũng không biết việc này, nhưng hứa sẽ can thiệp. Khoảng một tháng sau, ông Diệm được thả về Hà Nội, và tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi Ngô Đình Nhu tới lãnh về. Câu chuyện là thế.
NVT
http://www.toquoc.gov.vn/tin-tuc/7456.ts?ccat=17
Những điều chưa biết về Ngô Đình Nhu
(Toquoc)- Ngô Đình Nhu từng được bổ nhiệm làm Giám đốc Kho Lưu trữ công văn và Thư viện Quốc gia- quyết định do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký.
24/08/2008
Nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Hoa Nhật Khanh có những thành tựu mang tính “hậu trường” của các sự kiện, nhân vật lịch sử. Mới đây ông sưu tầm được các quyết định cho phép ra 40 tờ báo và một văn bản vô cùng quý hiếm do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký như là một bằng chứng của chính sách đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là quyết định bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Kho Lưu trữ công văn và Thư viện Quốc gia.
Câu chuyện của chúng tôi chuyển từ trao đổi tư liệu sang thi nhau ca ngợi Bác Hồ, về sự tài tình của Bác trong khi nền cộng hòa non trẻ của chúng ta mới khai sinh đã bị thù trong giặc ngoài chống đối quyết liệt 1945-1946; về chính sách đại đoàn kết toàn dân của Bác. Tôi đưa tư liệu của mình ra để nhờ ông kiểm chứng cho mối nghi vấn:
- Thưa anh, tôi được biết ông Ngô Đình Diệm đã bị cách mạng địa phương bắt, đưa ra Hà Nội và bị giam ở 44- Lê Thái Tổ, tức tòa soạn báo Hà Nội mới bây giờ. Thế rồi, như tôi nghe nói thì ông ta trốn thoát, khiến tôi nghi vấn. Làm sao có thể trốn thoát nổi, tôi ngờ rằng có thể ta ngầm thả?
Nhật Hoa Khanh nói ngay:
- Thả chính thức, cái này cụ Lê Giản- Giám đốc Sở Liêm phóng (đặt trong Bộ Nội vụ, chứ không tách riêng như về sau) hồi bấy giờ, đã có nói rõ. Theo Lê Giản, Bác hỏi: Bác có nghe ông Diệm đã bị bắt, cho Bác đến thăm. Ông ta dẫu gì cũng là người Việt Nam, thân phụ ông ấy là Ngô Đình Khả, làm đến thượng thư triều đình Huế nhưng đã từ quan vì thấy rõ nó nát rữa. Thân phụ Bác cũng từ quan, các cụ có biết nhau. Sau khi đưa Bác đến 44 Lê Thái Tổ, ông Giản ở ngoài. Chỉ nghe Bác dặn lúc chào tạm biệt: Ngô Đình Diệm làm đến quan đầu triều, chỉ vì đòi thống nhất Nam kỳ vào Bắc và Trung kỳ, nhằm thu hẹp quyền của 3 thống sứ Pháp vào 1 thống sứ tại Huế; đòi không được nên đã từ quan. Người như thế không thể đánh đồng với đám quan lại cũ thối nát. Vả lại, là quan lại cũ, nhưng đã từ quan, nên coi là dân thường. Mà dân thường thì mọi tầng lớp, mọi giới đều nằm trong Việt Minh, không phải là đối tượng của cách mạng nữa.
Tôi ồ lên phấn khích. Tôi dân viết lách nên rất nhanh chóng đã mường tượng ra cuộc gặp giữa Bác và Ngô Đình Diệm hẳn là rất thú vị, phảng phất mầu sắc của các nhân vật lịch sử trong truyện ngày xưa. Tôi không được biết Bác đã nói với ông Diệm những gì, nhưng hẳn là cuộc gặp đã để lại nhiều ấn tượng tốt, nhất là đã giữ lại mạng sống cho ông ta.
Theo hồi ký của tướng Cao Văn Viên, thì vào những lúc cam go nhất của gia đình mình, của chế độ mình, ông đã tìm cách gặp gỡ Hà Nội. Nhưng không thành. Mặc cảm tự ti, sợ mất quyền đã khiến ông bỏ lỡ ngày tổng tuyển cử 1956 theo Hiệp định Geneve, vì ông tin nhận định của Tổng thống Mỹ Eisenhowr sẽ trở thành hiện thực: “Nếu bầu cử bây giờ, (1956) Cộng sản sẽ chiếm 80% số phiếu, ông và cộng sự chỉ có thể chia sẻ số phiếu còn lại với các đảng phái khác”. Và ông đã chết trong ảo tưởng chỉ nhận tiền Mỹ chứ không chịu nhận quân Mỹ rồi mặc sức làm một nhà độc tài của riêng một miền Nam nước Việt. Nhưng thôi, đó lại là câu chuyện khác.
Nền độc tài họ Ngô có nhà tư vấn thiết kế kiêm cố vấn Ngô Đình Nhu, là em áp út của ông Diệm. Ông Nhu sinh năm 1911 tại Huế, tốt nghiệp Trường pháp điển Paris vào những năm 1930. Sau đó về nước làm Giám đốc Văn khố Phủ Toàn quyền Đông Dương rồi Giám đốc Thư viện Bảo Đại. Sau Cách mạng Tháng Tám, Ngô Đình Nhu được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc tại Hà Nội. Đó là tờ Sắc lệnh số 21, ký ngày 8-9-1945 của Chính phủ Lâm thời Nước Việt.
Ông Hoa Nhật Khanh nói:
- Tôi có trong tay bản chụp tờ sắc lệnh ấy, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký thay Chủ tịch Chính phủ.
Tôi đã được xem bản chụp của ông Khanh, đã toan mượn nó để in vào bài viết này, nhưng đó coi như tư liệu gốc của nhà nghiên cứu, mượn sao được, nên thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét