NHỮNG VẦN THƠ CA NGỢI
CỦA CÁC BẬC CAO NIÊN TRONG LÀNG
1/ Cụ Chu Văn Túc
Cụ Chu Văn Túc, người xóm Lan Đình Thượng, nay thuộc xóm Trung Lan, sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, làm chức Thơ lại huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, không rõ năm sinh, năm mất. Trong nhiều bài thơ nói về mối tình anh em kết nghĩa giữa làng Vạn Phước và làng Nga My thì ba bài của cụ Chu Văn Túc có giá trị về thời gian và được nhiều người truyền đọc. Các bài thơ của cu Chu Văn Túc sau đây là do cụ Hà Đắc Thụy và cụ Nguyễn Huy Hiên sưu tầm qua trí nhớ của các cụ cao tuổi trong làng, không rõ năm sáng tác, chỉ dựa vào tình tiết trong bài thơ mà phỏng đoán bài “ Đường ra Vạn Phước quê anh” được tác giả viết vào năm 1928.
Vạn - Nga kết nghĩa
Nam Mô đức Phật từ bi
Độ dân Vạn Phước – Nga My du đồng
Nghìn năm huynh đệ một lòng
Ví như cành quế, cành hồng tốt tươi
Ngày xuân nhớ cảnh, nhớ người
Nhớ câu ước cũ, nhớ lời giao xưa
Từ ngày Nhà Lý vua ta
Thanh Trì đê vỡ mười ba năm liền
Trên sai sứ giả phán truyền
Cầu trời, lễ Phật lại phiền đại huynh
Quả nhiên đê chính tạo thành
Hiện điềm nhũ sắc, cá xanh, đỏ, vàng
Thần giao sự đã rõ ràng
Vườn đào kết nghĩa hai làng Vạn – Nga
Kìa Hát Thủy, nọ Nhị Hà
Sông bao nhiêu nước, nghĩa là bấy nhiêu
Nghìn thu một mực kính yêu
Đông Nam có một, đông triều không hai
Trước mừng quan cụ hiền tài
Sau mừng chư hậu sống vui thọ trường
Đời đời tình nghĩa thân thương
Anh em văn võ, mọi đường giỏi dang
Chị thì buôn bán đảm đang
Em thì canh cửi khôn ngoan đủ điều
Đến đâu quan quý, dân yêu
Tối trưa yến tiệc, sáng chiều dạo chơi
Hoa thơm bay ngát ngoài trời
Vạn - Nga giao hảo đời đời đệ huynh.
Bài ca Nga My – Vạn Phước
Trước lạy chư vị đức tối linh
Sau mừng đôi dân đồng thượng hạ
Bách niên hảo hội nhất đán trùng tân
Trên ân mang mưa móc chín lần
Dưới nhờ bóng tôn thần liệt vị
Vui tám cõi, mưa hòa, gió thụy
Mừng bốn phương, già trẻ khỏe vui
Bốn mươi ba năm mới có một thời
Đàn vang cung Bắc, rượu mời nước non.
Nhớ nghĩa cũ hai làng đính ước
Thanh Trì kia năm trước vỡ đê
Mười ba năm dân sự khát khê
Công trình kể đắp đi, đắp lại
Việc đê chính lạ sao là lạ
Bất nhật thành, đê đã hoàn long
Ai ai đều vui vẻ thong dong
Nhờ Thần Lộc dân công mà biết mấy
Cá ngũ sắc nổi bên sông đầy dẫy
Thấy hiền lành trông thấy lạ lùng sao
Hay là Thần dữ, Thần giao
Nên hai dân vườn đào mà kết nghĩa
Từ khi ấy nặng tình giao khế
Đại tang, cầu, rước, tế, hội đồng
Trên thờ ngũ vị đức lanh thông
Dưới thù tạc một lòng hoan hỉ
Đường xa cách quan hà bách lý
Tình nghĩa này huynh đệ nhất gia
Hát Giang sánh với Nhị Hà
Anh là Vạn Phước, em là Nga My
Thanh Oai cùng với Thanh Trì đồng thanh
Một vùng nước biếc non xanh
Chữ ân càng nặng, chữ tình càng sâu
Mùi chi lan thơm nức hoàn cầu
Tiếng đồn dậy khắp qua Âu sang Á
Kính trọng quá, lại yêu mến quá
Cõi trần Nam ắt dễ có hai
Khi vui một chén quan hà
Chúc anh về trăm dặm đường xa
Lòng em thương nhớ, em ra trông trời
Chúc cho thiên hạ tài bồi
Độ cho dân được ngàn đời hơn nay
Ngàn thu gió mát khôn lay
Đường ra Vạn Phước quê anh
Bước chân ra khỏi Cầu Nang
Ba Hàng, Cầu Nẩy, rồi sang Bình Đà
Chợ Tư lối cũ đây mà
Bao nhiêu cá, thịt, lợn, gà, rau tươi
Phố phường buôn bán đông người
Ô tô chạy ngược, chạy xuôi đường liền
Rẽ sang Tây Quả, Sinh Liên
Bên làng Đại Định gần miền Đổng Tu
Cây cao gò đống lù lù
Bảo nhau Quán Quạ, Bù Rù còn xa
Từ thôn Phượng Lịch trở ra
Thiên Đông muốn đến phải qua cửa đình
Lại qua sông nhỏ nước xanh
Sang đò rồi phải đi quanh cánh đồng
Hết làng Đan Nhiễm vừa xong
Có sáu quán lợp ngói hồng xinh thay
Tiếp theo Hạ Thái thôn đây
Rủ nhau vào quán, gốc cây tạm ngồi
Ăn trầu, uống nước nghỉ ngơi
Đôi chân bớt mỏi, thảnh thơi lên đường
Rồi đi đến xã Xuân Trường
Trầu không trồng cả bên đường cái đi
Thăm miền Nam Tử một khi
Rồi qua cửa huyện Thanh Trì Vui sao
Xăm xăm rẽ lối bước vào
Đống Tu, Chợ Nhát, thuốc lào ngon thay
Trèo lên ngắm cảnh trời mây
Thanh Trì đê ấy nhớ ngày năm xưa
Trải bao năm tháng nắng mưa
Tình anh, nghĩa chị vẫn chưa phai mờ
Bao lần tiệc đụng dưới cờ
Bao lần thăm hỏi, sớm trưa mặn nồng
Tình anh, em vẫn hằng mong
“ Vườn đào kết nghĩa” vun trồng bền lâu
Mong sao như ý sở cầu
Mong sao Nga – Vạn bên nhau đời đời.
1928
2/ Cụ Hà Đắc Thụy ( 1924 – 2008)
Cụ Hà Đắc Thụy là người xóm Nhân Mỹ, còn gọi xóm Ngõ Ba, cụ là người tâm huyết với công việc chung của làng. Cụ đã bỏ công sức sao chép lại hệ thống hoành phi, câu đối ở Đình làng và đã sơ dịch để giữ gìn tài sản văn hóa của làng ta. Cụ viết trường ca “ Quê hương Nga My”, dưới đây là trích đoạn.
Quê Hương
Hát Giang sơn thủy hữu tình
Địa linh nhân kiệt quê mình còn ghi
Quê tôi ấp trại Nga My
Triều đại Nhà Hán đã ghi rành rành
Đại Vương nhị vị lừng danh
Kinh qua, Ngài thấy dân lành chưa thông
Mở trường giáo hóa hết lòng
Luyện tâm, luyện đức, cầu mong nhân tài
Truyền thuyết kể lại không sai
Dịch được Thần phả thấy tài đức vua
Quán Thiện tên gọi khi xưa
Quán trên mai một, dưới (1)giờ còn kia
Ngôi đình thượng cổ nhớ ghi
Tại xóm Nhân Mỹ (2) khi xưa thờ thần
Đất lành hội tụ đông dân
Chuyển Thần về Ải(3), rước Thần nguy nga
Nhân chứng còn lại người già
Bãi xưa trồng vải, quán là rừng cây…
Chú thích của tác giả:
(1) Dưới: Quán dưới, Quán Thiện còn truyền miệng: Sông sáu đầu biết bao giờ cạn; Quán Nga My biết vạn nào cây”
(2) Xóm Nhân Mỹ: Còn gọi là xóm Ngõ Ba
(3) Ải: Xóm Ải, nay gọi là xóm Lan Đình
3/ Cụ Nguyễn Huy Hiên,
Cụ Nguyễn Huy Hiên, người xóm Thượng Du, sinh năm 1928, Hội viên Hiệp hội thơ Đường luật UNESCO Việt Nam, người đã tìm và sao được Thần tích của Nga My Thượng.
Thần Phả 1
Mừng sao Thần tích thấy rồi,
Thôn Nga My Thượng bao đời chờ mong
Bây giờ già trẻ vui lòng
Thấy được sự tích sáng trong quê nhà
Đã hơn hai chục ngày qua
Phụ Mẫu Đức Thánh từ xa trở về
Thương dân giáo hóa dạy nghề
Hai con văn võ mọi bề tài hoa
Sắc phong chiếu chỉ ban ra
Nhị vị Thượng Đẳng, làng ta kính thờ
Bao đời lòng những ước mơ
Sử thần tỏa sáng bây giờ vui sao.
Thần Phả 2
Thần tích thôn ta đã thấy rồi
Nỗi vui tràn ngập mãi trong tôi
Bốn năm xuôi ngược tâm không nản
Ngọc phả hoàn thành dạ thảnh thơi
Cội Nguồn Hội làng
Mười hai tháng một Hội làng
Là ngày sinh nhật Thành hoàng thôn ta
Nhờ có Thần phả quê nhà
Ngàn đời nay mới tìm ra cội nguồn
Theo dòng lịch sử
Nga My có lúc gọi làng Mai
Đất hẹp, người đông mới tách hai
Thuở trước Tiền nhân tình chẳng nhạt
Ngày nay hậu thế nghĩa không phai
Hai thôn Thượng - Hạ của Nga My
Nét đẹp xa xưa sớm diệu kỳ
Dạ ước tình huynh luôn phát triển
Lòng mong nghĩa đệ mãi duy trì
Về cội nguồn
Cội nguồn My Thượng với My Dương
Nghĩa cử hào hoa đã mở đường (1)
Tám chục năm qua luôn thắm sắc
Tình huynh nghĩa đệ tựa lan hương
15/1/2008
Chú thích của tác giả: (1) Năm Mậu Thìn ( 1928) dưới em ra Quan anh Vạn Phúc dự hội 3 ngày, nên nhờ anh ( My Dương) xuống bảo vệ Đình Chùa, tính mạng, tài sản cho thôn em
Cội nguồn Vạn - Nga
Vạn - Nga, Nga - Vạn từ đâu
Từ trong lao động dãi dầu nắng mưa
Từ trong sáng cháo ngô trưa
Từ trong mai đấu năm xưa nên tình
Đón anh
Ất Hợi tháng một ngày rằm
Tin anh Vạn Phúc vào thăm, em mừng
Toàn dân phấn khởi tưng bừng
Trống dong cờ mở lẫy lừng vui sao
Cờ hồng liềm búa
Đình làng My Thượng quê tôi
Nguy nga lộng lẫy bao đời kém đâu
Trải bao mưa nắng dãi dầu
Đình làng càng đẹp nặng sâu nghĩa dày
Trước năm 42 nơi đây ( 1942)
Cờ hồng liềm búa ngọn cây nơi này
Trải qua nhiều trận đánh Tây
Đình làng hầm nhốt chứa đầy Việt gian
Căm thù quân giặc bạo tàn
Đang tay nỡ đốt đình làng xót xa
Hôm nay thăm lại đình nhà
Mừng vui thấy cảnh thật là khang trang
19/8/1954
Cất nóc đình làng
Mười sáu tháng chạp vui sao
Lòng người thôn Thượng xiết bao vui mừng
Toàn dân nhộn nhịp tưng bừng
Trẻ già phấn khởi vui mừng biết bao
Giàn giáo tầng thấp, tầng cao
Cụ Sức đại thọ tuổi cao nhất làng
Khăn hồng, áo đỏ, quần vàng
Là người đặt nóc đình làng hôm nay
Tù và, chiêng trống vui thay
Loa đài trầm bổng suốt ngày âm vang
Cảm ơn bao tấm lòng vàng
Gần xa công đức, dân làng quên đâu
Sổ vàng ghi lại mai sau
Họ tên tô đậm dài lâu sáng ngời
16 tháng chạp Tân Tỵ ( 2001)
Vô đề
Ngũ trang thần tích tựa vầng Đông
Gương sáng Đại Vương tỏa ánh hồng
Quân Hán bủa vây ra cự chiến
Hy sinh tại chỗ giữa khu đồng (1)
12/11/Mậu Dần ( 1998)
Chú thích:
(1) Ngày xưa gọi là khu Đống, gồm: Đống Thánh, Đống Mẻ, Đống Bàng, Đống Ba,... Nay là khu Đồng tắt ngoài, là ruộng của thôn NgaMy Thượng. Lăng mộ của Đức Thánh ở đây và mả con ngựa chiến của Ngài ở xứ Nang gần đó.
Tiễn anh
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ tình, nhớ nghĩa sáng ngời Vạn - Nga
Từ thời nhà Lý vua ta
Thanh Trì đê vỡ mười ba năm liền
Chiếu vua sứ giả phán truyền
Trong em trai gái thay phiên lên đường
Nhớ đê Đình Nhĩ đau thương
Cùng nhau mai đấu vấn vương nên tình
Nhớ đê Vạn Lập đinh ninh
Anh em hợp lực nghĩa tình thủy chung
Nhớ đê Cơ Xá thâm trùng
Nhờ anh giúp đỡ vui mừng lắm thay
Bâng khuâng giờ phút chia tay
Mong sao nhanh chóng có ngày đón anh
Cầu mong hai xã tiến nhanh
Hai thôn đổi mới để thành giàu sang
Quê hương
Quê hương, ở đấy có người thân,
Mải việc quanh năm lại kiệm cần;
Dậy sớm vì con, quên khó nhọc,
Thức khuya bởi cháu, hết gian truân
Cội nguồn
Cội nguồn, nơi đó tựa vầng đông,
Ngũ phúc từ đây tỏa ánh hồng,
Đức sáng tiền nhân luôn hả dạ,
Tâm trong hậu thế mãi vui lòng.
Quê hương, ở đấy có người thân,
Mải việc quanh năm lại kiệm cần;
Dậy sớm vì con, quên khó nhọc,
Thức khuya bởi cháu, hết gian truân
Cội nguồn
Cội nguồn, nơi đó tựa vầng đông,
Ngũ phúc từ đây tỏa ánh hồng,
Đức sáng tiền nhân luôn hả dạ,
Tâm trong hậu thế mãi vui lòng.
4/Cụ Mai Lưu
Cụ Mai Lưu tên thật là Lê Quỳnh Lưu, người xóm Lan Đình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, Thanh Oai, Hà Tây
Gửi tấm lòng thán phục
(Kính tặng cụ Giáo Hiên)
Mấy bố con
Ở quê - Hà Nội
Ý một lòng mong đợi
Thần phả làng cụ đã xong lâu
Cội nguồn còn, nghĩa nặng tình sâu
Lại mong đình thêm nhà đại bái
Cùng mấy cụ mấy ông đâu ngại
Dâu, gái góp đầu, đoàn ước gặp may
Con chở cha, xe chạy như bay
Bao số nhà hỏi thăm thấm mệt
Gặp người thân, người chưa hề biết
Lá thư tình, nên nghĩa thành quen
Giữa phố phường, cuộc sống đua chen,
Mới hiểu nông sâu, muôn hình, nhiều vẻ
Mấy bố con cả ngày lặng lẽ
Bởi nhẽ nào? Bao hướng cùng đi
Mai đây đời sẽ nghĩ gì?
Riêng tôi gửi tấm lòng thán phục ./.
Chú thích: Ngày 21/11/1999, làng cử một số đại biểu của các ban ngành đi Hà Nội quyên giáo tiền của người trong thôn để làm đình. Đoàn gồm cụ Hà Đắc Thụy, Nguyễn Huy Hiên, Lê Quỳnh Lưu, Lê Xuân Đồng, Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Văn Long, v.v. – Đoàn nhờ chị Nguyễn Thị Hằng, con gái cụ Nguyễn Huy Hiên, là người dẫn đường phái đoàn đi suốt cả ngày, đến từng nhà ở Hà Nội để quyên giáo.
Bảo Vật
Nhớ lại đình ta có những gì?
Thứ còn, cái mất, tiếc điều chi?
Thành Hoàng thờ đó đâu sự tích?
Dĩ vãng bao đời lúc thịnh suy!
Cội nguồn muốn hiểu, dựa vào đâu?
Tiếc rằng quyển phả mất đã lâu
Con cháu chỉ nghe lời truyền lại
Bao thế hệ rồi kể cho nhau!
Bảo vật mừng sao đã thấy rồi
Ngũ trang đã dịch ý thành lời
Bút tích sáng ngời điều minh chứng
Gương thần gửi lại mãi cùng soi
Văn tế Thần Hoàng
Duy, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Tây tỉnh, Thanh Oai huyện, Thanh Mai xã, Nga My Thượng thôn. Tuế thứ….. niên, thập nhất nguyệt, thập nhị nhật
Kính thỉnh Nhị vị Đại vương thân, đồng thượng hạ đẳng toàn dân kính dâng lễ vật hương hoa. Thần hoàng chứng giám
Từ ngày lập ấp
Nga My sinh sôi
Bốn mùa xanh tươi
Ơn Thần khai dựng
Nay xin cầu nguyện
Đồng bãi bội thu
Ngành nghề phát triển
Tiền nhiều, thóc dư
Đội trên, xóm dưới
Cửa hiệu, nhà hàng
Tường xây mái ngói
Môi trường khang trang
Mong sao dân trí
Con cháu giỏi giang
Thơ ca các cụ
Vui giữa đình làng
Ước ao cuộc sống
Hiếu, hỉ văn minh
Trẻ, già mẫu mực
Trọn nghiã vẹn tình
Ơn Thần, ơn Bác
Liệt sĩ gần xa
Phù hộ mọi nhà
An khang thịnh vượng
Nam nữ, lão ấu thôn Nga My Thượng ngưỡng mộ nhị vị Đại Vương thần cầu nguyện.
Cẩn cáo
( Bài Văn tế này đọc ngày Hội làng năm 2000)
Những vì sao
Lưu danh nhị vị bậc anh hào
Thần tích năm trang thỏa ước ao
Võ nghệ siêu cường, gươm dũng mãnh
Văn chương lỗi lạc, bút thanh tao
Quý dân khuyến học, tâm hồn lớn
Yêu nước hận thù, chí khí cao
Trải mấy ngàn năm còn tỏa sáng
Muôn đời ngưỡng mộ những “vì sao”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét